Có nên tiếp tục "giải cứu" nông sản?
Hàng nông sản bị tồn ứ và mất giá năm nào cũng xảy ra. Bà con nông dân và chính quyền cứ mãi loay hoay tìm cách giải bài toán này và không còn cách nào hay hơn thì kêu gọi cầu cứu từ phía cộng đồng.
Tần suất "giải cứu" ngày càng tăng
Dường như tần suất kêu gọi cầu cứu từ phía cộng đồng ngày càng tăng. Mới năm tháng đầu năm mà người tiêu dùng hai lần “giải cứu” nông sản. Đầu tiên là củ cải và sau đó là dưa hấu.
Đầu tháng 3 – 2018, người dân tại Mê Linh (Hà Nội), Tứ Kỳ (Hải Dương) lại lâm vào tình cảnh củ cải, su hào ế thừa giá rẻ. Củ cải rớt giá thảm hại, có thời điểm chỉ còn chưa tới 1.000 đồng/kg, khiến nhiều hộ sản xuất xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội) thất thu khoảng 2 - 3 triệu đồng/sào. Hàng trăm tấn củ cải, su hào không tiêu thụ được một lần nữa lại phải được cộng đồng “giải cứu” khẩn cấp. Trước tình trạng trên, nhiều doanh nghiệp, sinh viên, cá nhân đã tham gia kêu gọi giải cứu. Đi mua sắm tại các siêu thị hay chỉ cần đi qua công viên Cầu Giấy, công viên Thống Nhất, hồ Ba mẫu ở Hà Nội đều bắt gặp cảnh “giải cứu củ cải”.
Một điểm "giải cứu" củ cải giúp và con xã Tráng Việt. Ảnh: Internet
Đến đầu tháng 5 vừa qua, giá dưa hấu tại các tỉnh miền Trung, trọng tâm là Quảng Nam rớt thê thảm, giá bán tại ruộng có thời điểm chỉ còn 1.000-1.500 đồng/kg. Nông dân lại rơi vào cảnh khóc dở với những ruộng dưa đã chín, những đống dưa được thu hái chất đầy mà không có thương lái đến mua. Và rồi lại hàng chục xe tải dưa hấu lớn nhỏ được chở ra phía Bắc với những khẩu hiệu như “Giải cứu dưa hấu Quảng Nam”, “Một quả dưa – Một tấm lòng”… Với giá chỉ 8.000 đồng/kg nhưng chiến dịch “giải cứu” dưa hấu lần này không còn nhận được nhiều sự đồng tình từ người dân.
Bên cạnh đó, còn hàng loạt các vụ “giải cứu” nông sản với quy mô nhỏ tại các địa phương như: "giải cứu" Hoa ly cho bà con trồng hoa Tây Tựu, "giải cứu" cà chua cho nông dân ở Quỳnh Lưu, “giải cứu” khoai tây giúp bà con nông dân tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn …
Chất “giải cứu” nhạt dần
Hàng loạt nông sản dư thừa cứ lặp đi lặp lại nên doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng không còn quá nhiệt tình với việc “giải cứu” nữa.
Còn nhớ mấy năm trước, cả nước tổng động viên sát vai bên nhau giải cứu dưa hấu. Từ đoàn thanh niên, sinh viên, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cùng chung tay giúp bà con nông dân trồng dưa hấu các tỉnh miền Trung. Nhưng năm nay, tinh thần “giải cứu dưa hấu” và mua dưa hấu ủng hộ của người dân không còn mạnh như các năm trước. Tại nhiều điểm bán dưa hấu “giải cứu” khá vắng vẻ. Chị Nguyễn Thị Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội bày tỏ: “Nghe mọi người giới thiệu về các điểm bán dưa hấu giải cứu nông dân miền Trung, nhưng năm nay chất lượng dưa không ngon, dưa nhạt, thậm chí có quả trắng bợt, ăn chua. Hơn nữa, tôi cũng không mấy mặn mà, nông dân phải biết rút kinh nghiệm từ các mùa vụ trước, không thể năm nào cũng trồng tràn lan rồi chúng ta lại kêu gọi người tiêu dùng giải cứu”. Không chỉ chị Thanh mà anh Trần Văn Tuấn ở Mỹ Đình Thượng, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Năm nay nhà tôi mua là năm thứ 2 rồi. Không biết phải giải cứu dưa, cứu nông dân biết bao lần nữa. Nói thật mua ủng hộ thôi chứ dưa này cùi trắng rất dày, trái to nhưng cầm lên rất nhẹ, ăn không ngọt. Nông dân mà vẫn trồng giống dưa này thì có cho cũng không lấy”. Còn anh T.M.T ở Hòa Đức, Hà Nội lại cho biết: “Năm nào cũng để giành tiền giải cứu dưa, chuối, củ cải....???”
Các điểm bán dưa hấu giải cứu ở Hà Nội khá vắng so với mùa trước. Ảnh: Internet
Không chỉ những người dân mua ủng hộ mà chính những người tham gia giải cứu những năm trước thì năm nay cũng không còn tích cực ủng hộ và nhiều người không tham gia. Anh Nguyễn Ngọc Quân, một thành viên tích cực trong các phong trào “giải cứu” dưa hấu năm 2015 và 2016 phân trần: “Hai mùa dưa hấu trước, tôi đã tham gia rất nhiệt tình, cùng nhóm tình nguyện của mình “giải cứu” hàng trăm tấn dưa hấu của bà con Quảng Ngãi, nhưng năm nay tôi không tham gia nữa. Vì không thể cứ giải cứu mãi được, nghe cũng buồn cười và không được người tiêu dùng chấp nhận”. Chị Lê Phương Thảo một người tham gia “giải cứu” dưa hấu cho bà con miền Trung có chia sẻ chuyện chị cùng bạn bè rủ nhau mua nông sản rồi phải bán cắt lỗ, chỉ bởi vì dưa dù quả to nhưng quá nhạt, không thể cạnh tranh với những chủng loại dưa khác trong siêu thị và cả ngoài chợ dân sinh.
Không thể mãi “giải cứu” nông sản
Thông cảm cho nỗi vất vả người nông dân, nhưng nếu cứ lặp đi lặp lại tình trạng dư thừa nông sản cục bộ tại một số địa phương, một số sản phẩm thì người tiêu dùng trong nước sẽ phải "giải cứu" bà con đến bao giờ? Kêu gọi toàn dân ăn thịt lợn hay mua dưa ủng hộ cũng chỉ là giải pháp nhất thời, may mắn thì có thể giúp người nông dân thoát khỏi bờ vực phá sản, nhưng "giải cứu" chỉ có tác dụng lần một lần hai.
Thất bại của người nông dân là dễ lý giải, khi chất lượng nông sản khó cạnh tranh nhưng sản xuất ồ ạt và không có quy hoạch. Đã là làm ăn kinh doanh thì nguyên tắc muôn đời là “lời ăn, lỗ chịu”. Khi thất bát, không ai có thể chịu trách nhiệm cho quyết định nuôi, trồng của người nông dân ngoài chính họ. Chẳng ai có thể tham gia giải cứu mãi và giải cứu cũng hoàn toàn không phải là cách mang lại sự ổn định của người nông dân.
Với tư cách là một thành viên trong thị trường, người nông dân cần nhiều hơn sự hỗ trợ, tạo điều kiện về vốn, về khoa học kỹ thuật và hướng ra cho sản phẩm… để nắm thế chủ động cọ xát với thị trường, chứ không phải là “cầm hơi” sống sót trong một cuộc chiến mà họ luôn đóng vai là “nạn nhân”.
Theo phân tích của chuyên gia Agritech
(Tham khảo: vietnambiz.vn, anninhthudo.vn, tuoitre.vn)
Không có nhận xét nào