Header Ads

ad728
  • Breaking News

    Báo động tình trạng nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật

    Trong 3 năm gần đây thuốc bảo vệ thực vật nhập về Việt Nam tăng nhiều lần so với trước đây. Việc lạm dụng thuốc BVTV đem lại những hệ lụy xấu, tiêu cực. Thuốc gây độc hại cho người và gia súc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng, làm ô nhiễm môi trường, diệt cả côn trùng và vi sinh vật có ích, từ đó tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển, bùng phát mạnh hơn. Dùng thuốc không đúng kỹ thuật, sẽ nhanh chóng tạo nên tính kháng thuốc của sâu bệnh.
    Sử dụng “vô tội vạ”
    Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam đang sử dụng khoảng 100 nghìn tấn thuốc BVTV mỗi năm, chủ yếu nhập khẩu thuốc hóa học. Ông Cường dẫn chứng: một đất nước nông nghiệp, với ¾ là đồi núi mà sử dụng tới 58% thuốc BVTV là thuốc trừ cỏ là rất gay, ảnh hưởng rất lớn đến thủy vực.

    Tại vùng sản xuất thanh long tỉnh Long An, mỗi năm anh Lê Văn Tân (xã An Lục Long, H. Châu Thành) phun thuốc diệt cỏ trong vườn 5 - 6 lần, riêng thuốc trừ sâu và thuốc trị bệnh mỗi vụ thanh long phun khoảng 5 lần, mỗi lần phối hợp 2 - 3 loại thuốc khác nhau. Nếu mỗi năm sản xuất 3 vụ thanh long, anh phải phun ít nhất 15 lần thuốc trừ sâu bệnh. Nhìn vườn thanh long sạch bóng cỏ, dưới mương cũng không còn bóng dáng con ốc, con cua như ngày nào, anh Tân cũng thừa nhận: “Phun thuốc riết thấy độc hại quá, mỗi lần phun thuốc là cua trong hang cũng bò ra chết, ốc cũng không sống nỗi... Biết phun thuốc nhiều là nguy hiểm, nhưng vẫn phải phun ngừa, hơn nữa chưa biết cách nào cho an toàn hơn để bớt dùng thuốc”.
    Tại vùng trồng cam, quýt huyện Lai Vung, Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Thà bộc bạch: “Trước đây, mỗi vụ cam quýt phun thuốc sâu bệnh khoảng 5 - 6 lần, giờ thì một vụ quýt phải phun từ 15 - 20 lần, không phun coi như không bán được dù biết là độc hại nhưng đành chịu”.
    Tại Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất cả nước thì tình trạng lạm dụng thuốc Bảo vệ thực vật cũng đang là vấn đề nhức nhối. Ông Phạm Văn Bảnh - trồng 4ha lúa và hoa màu xen canh vụ 3 tại huyện Châu Thành, Kiên Giang - công nhận chuyện nông dân ngày càng lệ thuộc vào các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Ông Bảnh lý giải trước kia trồng lúa mùa, mỗi năm 1 vụ duy nhất, giống lúa ngày đó rất khỏe, bụi lớn, cây lúa mọc cao nên chuyện sâu bệnh gần như không có. Nhưng từ lúc tăng từ 1 vụ lúa mùa/năm lên 2 vụ, thậm chí 3 vụ, ruộng đất không có thời gian phơi ải để diệt mầm bệnh nên phải phun thuốc trừ sâu.
    Ông Bảnh liệt kê chi tiết 1 vụ lúa khoảng 90 ngày, đã có tới 7-8 lần xịt thuốc.
    Cụ thể, vừa sạ lúa xong là tiến hành xịt thuốc diệt mầm bệnh; bơm nước vô ruộng là phải xịt thuốc diệt cỏ; sau đó tùy theo loại sâu bệnh mà tiếp tục xịt nhiều loại thuốc khác nhau (thường phải vài lần), cứ 1 lần bón phân là sau đó phải xịt thuốc BVTV. Trước thu hoạch khoảng 20 ngày, phun thuốc dưỡng hạt.
    Với tâm lý muốn phòng ngừa dịch hại, diệt sâu nhanh, hiệu quả, nên không ít nông dân tự ý tăng liều lượng, sử dụng thuốc ngoài danh mục. Nhiều vùng sản xuất, lượng thuốc BVTV được sử dụng gấp 2 – 3 lần so với bình thường, với liều lượng, độc tính cao (vượt mức khuyến cáo).
    Cần thay đổi tập quán canh tác
    1. Lạm dụng thuốc Bảo vệ thực vật thành tập quán đã đến lúc phải thay đổi.
    Thực tế chứng minh nhiều biện pháp canh tác ứng dụng hữu cơ, sinh học hiện nay vừa giúp nông dân đảm bảo năng suất, đảm bảo nông sản an toàn, vừa đảm bảo lợi ích cộng đồng và môi trường. Một vài biện pháp giúp giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV như:
    - Nhu cầu sử dụng thuốc BVTV có thể giảm thông qua việc áp dụng các biện pháp canh tác cơ bản như vệ sinh đồng ruộng, bón phân cân đối, luân canh, xen canh cây trồng, sử dụng giống kháng và tuân thủ lịch thời vụ cũng có thể làm sâu bệnh ít xuất hiện; giảm sử dụng thuốc BVTV giai đoạn đầu vụ làm cho sinh vật có lợi và thiên địch duy trì trên đồng ruộng, tăng đa dạng sinh học, giúp khống chế sinh vật hại trong một ngưỡng cho phép.
     2. Bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng cách và đúng lúc ); sử dụng các loại thuốc trong “Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
    3. Sau khi sử dụng thuốc BVTV bà con cần thu gom bao bì, chai lọ về các vị trí được quy định của địa phương, tuyệt đối không được vất bừa bãi trên đồng ruộng.
    Theo phân tích của chuyên gia Agritech
    (Tham khảo: nhandan.com.vn, baovemoitruong.org.vn, tracuunongnghiep.vn)

    Không có nhận xét nào

    Post Top Ad

    ad728

    Post Bottom Ad

    ad728