Giá hồ tiêu giảm sâu - Giải pháp nào cho người nông dân
Từ giữa năm 2016 đến nay giá hồ tiêu được coi là “tụt dốc không phanh”. Việc hồ tiêu trượt giá mạnh khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Vậy đâu là giải pháp cho người dân trồng hồ tiêu hiện nay?
Giá tiêu thấp nhất 10 năm trở lại đây
Giá hồ tiêu cách đây 2 năm ở mức rất cao, trên 200.000 đồng/kg. Đó cũng là lúc những người trồng hồ tiêu ở Đồng Nai phấn khởi nhất vì loại cây gia vị này mang đến nguồn thu đáng kể cho kinh tế gia đình. Lúc đó, người dân ví von vui rằng tiêu giống như "vàng đen".
Nhưng sự hồ hởi đó không kéo dài được lâu. Cái chết của "vàng đen" bắt bắt đầu khi tiêu giảm từ mức trên 200.000 đồng/kg giữa năm 2015 xuống còn hơn 180.000 đồng/kg đầu năm 2016 và rồi còn 128.000 đồng/kg cuối năm. Giông tố chính thức ập đến ngành tiêu vào năm 2017 khi giá giảm tới gần một nửa từ mức trên 135.000 đồng/kg xuống còn 74.000 đồng/kg. Tính đến hiện tại, giá tiêu chỉ còn khoảng 47.000 – 48.000 đồng/kg, tức là chỉ bằng 1/4 so với mức kỷ lục. Đây là mức giá mức thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây.
So với giá thành sản xuất của nông dân, giá tiêu hiện đã chạm tới mức “nguy hiểm”. Bởi giá thành sản xuất tiêu bình quân hiện nay là 49.000 đồng/kg, giá thành ở khu vực Tây Nguyên khoảng 45.000 - 47.000 đồng/kg, ở Đông Nam Bộ là hơn 50.000 đồng/kg. Như vậy, với mức giá như hiện nay thì người dân trồng tiêu đã thua lỗ nặng.
Theo nhận định của một số chuyên gia ngành hồ tiêu, chu kỳ giảm giá sẽ còn kéo dài trong mấy năm tới. Nhiều khả năng phải đến năm 2022 - 2023 trở đi, cán cân cung – cầu trên thị trường hồ tiêu thế giới mới được cân bằng trở lại theo hướng ổn định hơn cho người sản xuất hồ tiêu.
Nguyên nhân do đâu?
Diện tích vượt quy hoạch
Nguyên nhân chính dẫn đến giá hồ tiêu giảm kỷ lục là do việc tăng nóng diện tích trồng tiêu bất chấp quy hoạch, thậm chí sẵn sàng phá bỏ diện tích các loại cây trồng khác để trồng tiêu.
Theo Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, diện tích hồ tiêu ở Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2017 tăng rất nhanh. Nếu năm 2010, cả nước chỉ trồng 51.500 ha hồ tiêu thì đến năm 2017 đã tăng lên đến 152.668 ha, tăng gấp 3 lần và vượt quy hoạch trên 100.000 ha. Mục tiêu đến 2020 tầm nhìn 2030 của cả nước diện tích trồng hồ tiêu chỉ ở mức 50.000 ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000 ha, như vậy diện tích trồng tiêu hiện đã gấp gần 3 lần quy hoạch ban đầu. Sự gia tăng diện tích này chủ yếu tập trung ở 2 khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, hiện đang chiếm 93,5% tổng diện tích hồ tiêu trên cả nước.
Trực trạng phá vỡ quy hoạch, ào ào trồng hồ tiêu ở cả những vùng đất không thích hợp, sử dụng nhiều giống tiêu không rõ nguồn gốc… khiến mỗi năm các tỉnh Tây Nguyên có hàng ngàn hécta tiêu bị sâu bệnh hại, dịch bệnh chết nhanh, chết chậm làm thiệt hại lớn cho bà con nông dân. Tại 3 tỉnh trọng điểm cây hồ tiêu của Tây Nguyên là Đắk Lắk, Gia Lai và Đắk Nông, hàng năm, mỗi tỉnh đều có vài ngàn ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng rễ, rệp sáp. Tỉnh Gia Lai năm 2016 đã có trên 6.155 ha tiêu bị nhiễm bệnh…
Chất lượng hồ tiêu chưa cao
Bên cạnh yếu tố diện tích tăng nóng thì yếu tố chất lượng cũng là nguyên nhân làm giá hồ tiêu giảm. Tăng năng suất mà không chú trọng đến chất lượng theo nhu cầu thị trường cụ thể chính là trao cho người mua và nước nhập khẩu nhiều quyền chọn lựa hơn. Khi nguồn cung ứng quá dồi dào, đó chính là lúc người mua đưa các điều kiện ngặt nghèo và tự do làm giá, còn người bán rơi vào thế “gậy ông đập lưng ông”.
Diện tích liên tục tăng nhưng quy trình sản xuất không đồng nhất nên chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, không ổn định, việc sản xuất theo hướng GAP còn hạn chế. Cùng với đó, thời tiết diễn biến thất thường đã gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của hồ tiêu Việt Nam. Dịch bệnh thường xuyên xảy ra vẫn chưa có biện pháp phòng ngừa hiệu quả gây thiệt hại lớn. Hiện nay, một số nước đã lên tiếng cảnh báo về chất lượng hồ tiêu Việt Nam, trong đó có vấn đề dư lượng thuốc BVTV.
Hồ tiêu Việt Nam là một trong những cây trồng phục vụ xuất khẩu, gắn chặt với cung cầu của thị trường quốc tế nhưng chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô hoặc sản phẩm có chất lượng thấp. Vì thế, giá bán cũng thấp hơn so với các nước khác như Thái Lan, Malaysia.
Giải pháp
Để phát triển cây hồ tiêu bền vững thì có ba vấn đề lớn cần sớm giải quyết. Thứ nhất là diện tích vượt xa so với quy hoạch, thứ hai là canh tác chưa bền vững với nhiều tồn tại về kỹ thuật, giống…; thứ ba là một số vấn đề tồn tại liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Lựa chọn những loại cây trồng khác phù hợp
Nếu vườn hồ tiêu nào bị dịch bệnh, chết cả vườn thì bà con có thể thay thế toàn bộ vườn bằng những loại cây trồng khác. Bà con không nên trồng tái canh hồ tiêu nữa. Vì những vườn đã bị dịch bệnh lâu năm, nếu trồng tái canh khả năng tái dịch bệnh là rất cao, sẽ tăng thêm rủi ro trong bối cảnh giá tiêu đang giảm.
Đối với những vườn hồ tiêu còn có thể giữ được một phần, bà con nên giữ, diện tích còn lại cho xen canh với cây ăn quả nhằm tạo thu nhập ổn định. Bởi trước mắt bà con sẽ vẫn có thu nhập từ hồ tiêu dù giá thấp, sau đó khi cây ăn quả đến vụ thu hoạch, bà con tiếp tục có nguồn thu từ cây ăn quả. Phương án này đặc biệt phù hợp với những hộ có thu nhập thấp, nguồn thu từ cây ăn quả và tiêu sẽ gánh cho nhau, giảm bớt rủi ro.
Cần chú trọng sản xuất hồ tiêu sạch, bền vững
Việc phát triển hồ tiêu sạch, bền vững là một hướng đi tất yếu hiện nay. Hiện hồ tiêu sạch thường được các công ty thu mua cao hơn giá thị trường từ 20 - 40%. Vì vậy, các hộ nông dân trồng tiêu nên chuyển sang sản xuất tiêu sạch, giúp hồ tiêu Việt Nam có thể xâm nhập và đứng vững ở nhiều thị trường khó tính.
Cùng với đó thì việc cải tạo đất cần được chú trọng, sử dụng các giống hồ tiêu rõ nguồn gốc để tránh tình trạng bùng phát dịch bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm, hậu quả người trồng phải hứng chịu.
Người trồng tiêu nên đặt mục đích vì chất lượng nông sản. Không nên chạy theo năng suất mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm.
Tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ
Các hộ sản xuất hồ tiêu nên liên kết thành các hợp tác xã. Chỉ có hợp tác, liên kết lại với nhau thì mới giải được bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển bền vững trước những biến động của thị trường.
So với sản xuất nhỏ lẻ, việc liên kết sẽ giúp đầu ra sản phẩm được ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. Giá sản phẩm hồ tiêu bán ra thị trường cao hơn, nông dân không phải nơm nớp lo việc tiêu thụ sản phẩm, chỉ chuyên tâm vào sản xuất theo đúng quy trình.
Theo phân tích của chuyên gia Agritech
(Tham khảo: baogialai.com.vn, cafef.vn, vietnammoi.vn)
Không có nhận xét nào