Kinh nghiệm xử lý bệnh viêm tử cung ở lợn nái sinh sản
1. Nguyên nhân gây bệnh
Do lợn nái chửa thiếu vận động, chuồng nuôi bẩn; do dinh dưỡng không hợp lý (lợn quá béo hoặc quá gầy), thiếu vitamin A, D, E .. và các nguyên tố vi lượng cần thiết; do công tác vệ sinh, chăm sóc quá trình sau đẻ không đảm bảo kỹ thuật.
2. Triệu chứng của bệnh
Viêm nhẹ, thường xuất hiện 12-14 giờ sau khi sinh; lớp niêm mạc tử cung bị tổn thương nhẹ, kích thích tiết dịch nhờn ở cổ tử cung; dịch chảy ra lỏng lợn cợn hoặc đục, mùi tanh, vài ngày sau tiết dịch giảm dần, đặc lại và hết hẳn.
Viêm nặng, có thể làm lợn bị chết do nhiễm trùng toàn thân nếu không điều trị kịp thời, sốt từ 40-41,5oC. Có mủ đặc chảy ra từ âm đạo dính vào âm hộ. Một số trường hợp nái quá yếu có thể bị chết hoặc nếu chữa khỏi những nái này cũng không thể đưa vào sản suất vì khả năng đậu thai và khả năng nuôi giảm.
3. Điều trị bệnh
Đối với lợn nái viên nhẹ: Điều trị bằng cách đặt viên thuốc kháng sinh Oxytetracyclin vào âm đạo từ 5-7 ngày. Tiêm Amoxi 15% 3 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 48 giờ. Đây là dạng viêm có kết quả điều trị khỏi bệnh cao.
Đối với lợn nái sau khi đẻ, xảy thai và viêm nặng: Thụt rửa tử cung bằng dung dịch Iodine 10% pha 10ml/2lit nước, thụt rửa 2 lần/ngày trong 2 ngày đầu và thụt rửa 1 lần/ngày từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 sau khi đẻ. Sau khi thụt rửa bơm thuốc kháng sinh O.T.C 10% (5ml thuốc pha 20ml nước sinh lý) hay 4g Streptomycin + 40.000 UI Penicillin ngày 1 lần trong 3 ngày liên tiếp vào tử cung. Đồng thời tiêm Oxytocin liều 10-15 UI (2 ống 5ml/ 1 lần) nhiều lần trong ngày để tử cung co bóp tống dịch sản ra ngoài. Tiêm kháng sinh phổ rộng chống viêm như: Terramycin LA, Amoxi 15% 3 lần liên tiếp mỗi lần cách nhau 48 giờ. Ngoài ra, tiêm các loại thuốc bổ trợ như: Urotropin giúp tăng cường bài tiết độc tố, thuốc hạ sốt, vitamin C liều cao và canxi hỗ trợ co bóp tử cung, các thuốc kháng viêm: Ketovet, Diclofenat để giúp tử cung mau phục hồi chức năng. Truyền đường Gluco vào phúc mạc, cho lợn nái uống nước đầy đủ và cho ăn các thức ăn ngon, dễ tiêu.
4. Phòng bệnh
Thực hiện đúng quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng vệ sinh chuồng trại và vệ sinh giao phối thật tốt. Thường xuyên bổ sung ADE - khoáng Premix trong giai đoạn lợn mang thai và sau sinh. Chú trọng kỹ thuật đỡ đẻ và sử dụng thuốc sát trùng và kháng sinh sau đẻ.
Theo snnphutho.vn
Không có nhận xét nào