Header Ads

ad728
  • Breaking News

    Chênh lệch khủng giá nông sản từ ruộng đến người tiêu dùng

    Tuần qua lại thêm một thông tin “thắt lòng” người dân trên cả nước: Giá thanh long xuống thấp kỷ lục, người trồng thanh long tại nhiều địa phương rơi vào cảnh lao đao, thậm chí, phải chấp nhận để thanh long thối ngoài đồng. Tuy nhiên, trái ngược với điều đó, giá thanh long bán lẻ tại các chợ ở Hà Nội vẫn khá cao, dao động từ 20.000 – 40.000 đồng/kg.
    Gia đình bà Nguyễn Thị Tám (xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam) có gần 1.500 trụ thanh long đã tới thời kỳ thu hoạch nhưng hơn một tuần nay không có thương lái hỏi mua, chở đến các vựa cũng bị từ chối không nhận. Vì không thể treo trái mãi trên trụ, gia đình bà đành phải thu hoạch và chất đống ngoài vườn.
    Nhà ông Nguyễn Văn Hồng (xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc) cũng vừa đổ bỏ hơn 5 tấn thanh long thu hoạch nhưng không ai mua, mặc dù đã chạy vạy khắp nơi để tìm thương lái.
    Thanh long đổ thành đống cho bò ăn tại Bình Thuận
    Hơn chục năm nay, cái cảnh thanh long được mùa mất giá, được giá thì mất mùa cứ liên tục tái diễn chưa có hồi kết. Lúc không có để bán, lúc đổ đống không ai thèm nhặt. Mới hơn nửa tháng trước, ngay dịp trung thu giá thanh long thu mua tại vườn còn mấp mé 25.000 đồng/kg, bà con chưa kịp phấn khởi. Vậy mà nửa tháng sau lại rớt giá không tưởng. Thanh long loại 1 còn được thương lái chọn mua, loại nhỏ hơn thì đổ đống, không thể bán được.
    Bản thân tôi không tin là người nông dân ta không sản xuất được những sản phẩm nông sản tốt như các nước khác. Thậm chí, thanh long còn được xem là ‘thống trị’ xuất khẩu trái cây của Việt Nam.
    Thế nhưng, vì sao nông dân của ta vẫn luôn là những người “yếu thế” và “bị động” mỗi khi đến mùa thu hoạch? Vì sao nước mắt người nông dân vẫn rơi trên đồng ruộng suốt năm này đến năm kia?
    Ngoài những nguyên nhân do quy mô sản xuất nông sản còn nhỏ lẻ, tự phát, không theo quy hoạch thì còn nguyên nhân quan trọng chính là tiêu thụ nông quá nhiều khâu trung gian
    Mặc cho giá thu mua thanh long các tỉnh phía Nam rẻ như cho, thanh long vứt đầy đồng thì tiểu thương ở các chợ Hà Nội vẫn hét với giá “trên trời”. Theo ghi nhận, giá thanh long vẫn ở mức khá cao, đối với thanh long ruột đỏ giá dao động từ 30.000 – 45.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng giá từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng tùy loại quả to, nhỏ khác nhau.
    Tại Hà Nội giá thanh long đỏ dao động từ 30.000 - 45.000 đồng/kg
    Chị Khánh Hà ở Mai Dịch, Cầu Giấy, đi chợ Đồng Xa từ sáng sớm cho biết: “Đi dọc quanh chợ mà đâu cũng có người bán thanh long, tôi tưởng chắc là rẻ nên hỏi mua, nhưng thực chất cũng chẳng rẻ, giá thanh long ruột trắng quả to là 30.000 đồng/kg, còn loại thanh long ruột đỏ quả bé hơn mà họ cũng đòi 35.000 đồng/kg”.
    Chị Hà băn khoăn: “Tại sao cứ phụ thuộc Trung Quốc trong khi người tiêu dùng trong nước có nhu cầu ăn thanh long nhưng lại ngại giá đắt? Mấy hôm nay nghe ti vi, báo chí nói nhiều về thanh long tại Bình Thuận bán giá 1.000 – 2.000 đồng/kg, thậm chí không có người mua. Thế mà ra chợ vẫn 20.000 – 30.000 đồng/kg. Nếu như bán giá thấp hơn, thương lái lấy lãi ít hơn thì người tiêu dùng sẽ mua nhiều, sẽ giảm tình trạng ứ đọng cho bà con"?
    Có thể thấy, giá bán lẻ thanh long nói riêng và các sản phẩm nông sản hiện nay nói chung thường gấp nhiều lần so với giá gốc tại nhà vườn hay cơ sở sản xuất. Mức giá chênh lệch cao này được cho là không phải chỉ do thương lái "ăn dày", mà vì còn tiêu tốn quá nhiều cho các chi phí trung gian.
    Tiêu thụ thanh long hiện nay là một ví dụ. Chỉ riêng chi phí vận chuyển (gồm bốc vác, thuê xe) của chủ vựa từ các địa phương có thanh long lên TP.HCM đã mất khoảng 4.000 đồng/kg. Phần lời của chủ vựa là 500 đồng/kg nữa, tức là tổng cộng giá đã đội thêm 4.500 đồng/kg. Nhưng không phải người dân đã bán cho các chủ vựa ngay vì sản lượng ít, đường vận chuyển xa nên họ phải bán cho một nấc nữa là các thương lái tại địa phương. Qua thương lái, giá trái cây bị cộng thêm ít nhất vài nghìn đồng/kg.
    Khi thanh long lên đến các chợ đầu mối tại Hà Nội, chủ vựa bán lại cho một người trung gian để người này đổ mối cho những người bán buôn tại chợ đầu mối. Phần lời của người trung gian là 500 đồng/kg. Người trung gian bán cho người bán lẻ tại các chợ, cửa hàng với mức lời khoảng 1.500 đồng/kg.
    Như vậy, từ vườn đến người bán lẻ, giá trái cây đã tăng tổng cộng 8.000 - 9.000 đồng/kg. Nhưng đó chưa phải là con số cuối cùng vì khâu bán lẻ tới tay người tiêu dùng  mới là đối tượng đẩy giá lên nhiều nhất, thông thường là 40 - 50% giá trị mà họ mua hàng.
    Việt Nam cần phải học Thái Lan cách thức tổ chức khâu phân phối, cách thức chia lợi nhuận. Ở Thái Lan, trong quá trình phân phối khâu trung gian chỉ được ăn 30%, còn người nông dân được hưởng 70%, đảm bảo họ có lợi nhuận để tái đầu tư sản xuất. Nhưng ở Việt Nam, bài toán lại ngược hoàn toàn.
    Đã đến lúc sản xuất phải gắn với tiêu thụ, đi thẳng từ sản xuất đến siêu thị, doanh nghiệp chế biến hay người bán lẻ, tức không có trung gian. Muốn các sản phẩm nông nghiệp bán giá cao, nông dân phải tham gia vào các tổ chức sản xuất, các tổ hợp tác xã, liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Chỉ có sản xuất có tổ chức thì mới giảm dần những khâu thương lái trung gian. Có như vậy lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp của người nông dân mới được bảo đảm.
    Phân tích của chuyên gia Agritech
    (Tham khảo: cafebiz.vn, saigondautu.com.vn, vtv.vn, vov.vn)

    Không có nhận xét nào

    Post Top Ad

    ad728

    Post Bottom Ad

    ad728