Hàng “xịn” xuất khẩu, loại kém chất lượng... dân ăn
"Tại sao chúng ta bán cho người nước ngoài thực phẩm an toàn để họ ăn mà Việt Nam tràn lan thực phẩm bẩn?” là câu hỏi mà nhiều người tiêu dùng trong nước đang đặt ra.
Hàng “xịn” chỉ để xuất khẩu.
Thị trường tiêu dùng Việt Nam đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, và các doanh nghiệp FDI xem đây là mảnh đất màu mỡ, đẩy mạnh đầu tư, trong khi nghịch lý là doanh nghiệp Việt lại mải mê đi xuất khẩu. Gần như đồ ngon, đồ tốt nhất trong nước được ưu tiên đem ra nước ngoài bán. Trong khi người Việt không có nhiều sản phẩm ngon để mua, phải tìm tới hàng nhập khẩu đông lạnh, hoặc phải bỏ chi phí rất đắt đỏ để mua hàng tươi nhập khẩu.
Thực tế, hơn 10 năm qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đi theo hướng nông nghiệp organic và đã có nhiều sản phẩm hữu cơ được chứng nhận quốc tế từ rau củ, quả, tôm, cá, gạo, trà, dầu dừa…
Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm này lại được xuất khẩu sang các nước Châu Âu, Châu Mỹ... chứ chưa có mặt nhiều ở thị phần nội địa.
Theo ông Lương Văn Tự - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ “Hiện Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại, xuất khẩu lượng hàng hoá lớn sang các nước. Việc đàm phán thực hiện xuất khẩu nông sản, thực phẩm cho các thị trường được thực hiện từ khâu nuôi trồng cho đến bàn ăn”.
Ông Tự băn khoăn tại sao người Việt có thể bán thực phẩm sạch, an toàn cho người nước ngoài trong khi trong nước lại tràn lan thực phẩm bẩn. Người tiêu dùng trong nước phải dùng những sản phẩm không tốt là do những quy chuẩn, hệ thống chính sách không rõ ràng. Đối với các sản phẩm tiêu thụ trong nước thì việc thực hiện và giám sát truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn lỏng lẻo. Sản phẩm được tiêu thụ tràn lan, không có giấy chứng nhận an toàn…
Thị trường cà phê là một ví dụ điển hình cho việc các doanh nghiệp chỉ chú trọng xuất khẩu. Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, với 1,8 triệu tấn cà phê nhân đạt tiêu chất lượng xuất khẩu trong năm 2017. Cà phê ngon trong nước gần như đã bị ưu tiên mang đi xuất khẩu. Trong khi đó ở thị trường trong nước, người tiêu dùng phải đối mặt hàng ngày với cà phê trộn phụ gia, uống ly cà phê nhưng không phải chỉ cà phê nguyên chất. Những người sành cà phê thường nói vui với nhau Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê nhưng người Việt không dễ kiếm ly cà phê ngon.
Đánh mất thị trường trong nước
Nghịch lý là trong khi các loại nông sản nội đang từng bước thâm nhập thị trường quốc tế thì ngay tại sân nhà, bình quân mỗi ngày, Việt Nam chi khoảng 91 tỷ đồng để mua và sử dụng các loại rau củ quả nhập khẩu.
Có thể thấy, tại các chợ, siêu thị, trái cây ngoại ngày càng lấn át với hàng chục chủng loại có xuất xứ từ nhiều nước. Đặc biệt, giá cả hoa quả ngoại nhập ngày càng rẻ khiến hàng nội thêm khó cạnh tranh. Thậm chí, nhiều loại trái cây Việt Nam có thế mạnh như thanh long, mãng cầu... giờ đây cũng có hàng nhập chen vào, dù giá cao ngất ngưởng. Đơn cử mãng cầu Đài Loan 500.000 đồng/kg; thanh long ruột vàng Malaysia 700.000 đồng/kg...
Các loại trái cây ngoại được nhập khẩu về ồ ạt, bày bán tràn ngập tại thị trường. Nguồn: Internet
Các loại trái cây ngoại mặc dù giá cao hơn nhiều so với trái cây trong nước cùng loại, nhưng người tiêu dùng vẫn tiêu thụ mạnh do các doanh nghiệp nước ngoài làm thương hiệu rất tốt. Từng loại trái cây được đóng từng bao gói riêng và có đầy đủ thông tin trên nhãn mác. Ngoài ra, người tiêu dùng chọn nông sản ngoại một phần cũng do sản phẩm trong nước bị mất lòng tin đối với nông sản trong nước.
Có thể nói, chính sản phẩm nông sản trong nước cũng đã “tự giết” lẫn nhau. Trước đây, các cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện nhiều vụ tẩm nhúng hóa chất ép chín cấp tốc đối với nhiều mặt hàng như sầu riêng, mít, xoài, đu đủ... Hay mới đây nhất là vụ cà phê trộn pin, sỏi rúng động xảy ra tại tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, những thông tin này cũng không được công khai minh bạch khiến người tiêu dùng càng bị mất niềm tin vào nông sản Việt.
Có lẽ, đã đến lúc các doanh nghiệp, người sản xuất nên có cái nhìn khác đối với thị trường trong nước.
Với hơn 90 triệu dân, Việt Nam không thua kém bất kỳ một thị trường xuất khẩu nào ở các quốc gia khác. Người Việt luôn có nhu cầu sử dụng sản phẩm đạt chất lượng, và đảm bảo an toàn. Dân Việt phải được ăn đồ ngon. Do đó đòi hỏi các doanh nghiệp và người sản xuất cần chú trọng hơn tới nâng cao chất lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước.
Theo phân tích của chuyên gia Agritech
(Tham khảo: thanhnien.vn, saigondautu.com.vn, vtv.vn)
Không có nhận xét nào