Trung Quốc chủ động nguồn cung, nỗi lo của nhiều nông sản Việt
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chủ yếu nhiều loại nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây Trung Quốc đang mở rộng diện tích các loại nông sản nhập nhiều từ Việt Nam với mục đích tự tạo nguồn cung cấp trong nước nên giảm dần nhập khẩu từ Việt Nam. Các chuyên gia cảnh báo nhiều loại nông sản là thế mạnh của Việt Nam có nguy cơ rơi vào tình trạng phải giải cứu vì Trung Quốc không nhập hàng.
Ngày càng nhiều nông sản Việt “đụng hàng” Trung Quốc
Với thị trường hơn tỷ dân, hàng năm Trung Quốc phải nhập khẩu một khối lượng hàng nông sản cực lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu trong nước. Thế nhưng, những năm gần đây, nước này đang cố gắng mở rộng vùng sản xuất để tự nội địa hóa, giảm dần khối lượng nhập khẩu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nông sản xuất khẩu nước ta.
Cụ thể với mặt hàng thanh long, trước đây Trung Quốc phải nhập khẩu hoàn toàn do không tự sản xuất được. Nhưng những năm gần đây, Trung Quốc đã trồng được trồng và đã mở rộng diện tích trồng thanh long ngang ngửa Việt Nam. Hiện nay, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đạt hơn 35.000 ha, tương đương với diện tích trồng thanh long của Việt Nam. Ngoài ra, họ còn thuê đất trồng thanh long tại Lào, Campuchia để xuất ngược về nước. Bên cạnh đó, thanh long Trung Quốc bắt đầu thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm, không chênh lệch nhiều so với mùa vụ của Việt Nam, dẫn đến Trung Quốc giảm mạnh lượng nhập khẩu thanh long Việt Nam. Điều này tác động lớn đến người dân trồng thanh long nước ta do 80% lượng thanh long trồng trong nước xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trung Quốc trồng thanh long trong nhà lưới
Chưa hết, bà con trồng dưa hấu ở Quảng Nam đã bao lần bị thương lái ép giá phải kêu gọi giải cứu khi Trung Quốc không ăn hàng do trùng với mùa vụ thu hoạch của bên họ. Trung Quốc không chỉ phát triển diện tích trồng dưa hấu tại nước này mà còn đổ sang Lào, Campuchia, Myanmar… để thuê đất trồng dưa hấu xuất ngược về nước. Và đương nhiên họ sẽ ưu tiên mua dưa hấu của họ.
Trái sầu riêng, loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao được các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ phát triển mạnh do Trung Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu nhiều. Tuy nhiên trái sầu riêng có thể chung cảnh ngộ với thanh long, chuối… khi những tháng vừa qua các thương lái người Trung Quốc đến Lâm Đồng mua hạt giống sầu riêng làm giống gốc cho vùng sầu riêng của họ bên Campuchia và Lào.
Cần sản xuất phù hợp với thị trường
Vấn đề chính hiện nay không phải là nông sản chúng ta không có thị trường mà là việc điều chỉnh sản xuất cho phù hợp với thị trường.
Hiện nay bà con nông dân sản xuất không căn cứ trên yêu cầu của thị trường. Đa số nông dân hiện nay vẫn đang sản xuất theo phong trào, theo "tâm lý đám đông" mà không quan tâm hoặc không nắm được thông tin thị trường. Tình trạng “được giá là phá quy hoạch” đang xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương.
Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” thì người nông dân phải đổi mới và tự thay đổi tư duy để không bị động, phụ thuốc vào thương lái Trung Quốc. Muốn được như vậy thì người nông dân cần:
- Sản xuất đảm bảo chất lượng để mở rộng thị trường xuất khẩu
Hiện nay, nhiều nước trên thê giới rất ưa chuộng hàng nông sản của Việt Nam và nhập khẩu rất nhiều song vẫn có không ít vụ việc hàng hóa bị trả về do không đáp ứng yêu cầu chất lượng, hay có dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật. Chính vì vậy, nông sản của chúng ta bị thu hẹp thị trường và phần lớn xuất khẩu sang thị trường dễ tính Trung Quốc với giá rẻ và đầy bấp bênh. Vì vậy, người làm nông nghiệp phải luôn ý thức sản xuất nông nghiệp sạch bằng việc áp dụng các tiến bộ khoa học, tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap.
Lấy vú sữa Vĩnh Kim, khoai lang Bình Tân... ở đồng bằng sông Cửu Long làm ví dụ điểm hình. Trước đây đầu ra của những nông sản này chủ yếu dựa vào thị trường Trung Quốc nên vào vụ thu hoạch rộ giá cả thường giảm sâu. Thế nhưng những năm gần đây, bà con nông dân áp dụng đúng tiêu chuẩn Global, Gap. Chất lượng nông sản được nâng cao, đáp ứng tiêu chuẩt xuất khẩu sang những thị trường đòi hỏi chất lượng nghiêm ngặt. Vậy nên nhiều doanh nghiệp khu vực này đã mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Campuchia, Ấn Độ... thậm chí cả các thị trường khó tính EU, Mỹ, Hàn Quốc,… Nhờ vậy, giúp nâng cao giá trị nông sản cho bà con.
Vú sữa Vĩnh Kim xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh: Báo NNVN
- Sản xuất theo nhu cầu và đòi hỏi của thị trường
Người nông phải đổi mới trong sản xuất để đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của thị trường. Đã hết thời sản xuất tùy hứng, thấy cây nào có giá trị kinh tế cao thì đua nhau đi trồng mà không cần tính đầu ra của thị trường. Nông dân chúng ta đang còn hạn chế trong việc nắm bắt xu hướng thị trường. Bằng chứng rõ nhất là với mặt hàng dưa hấu, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng lựa chọn trái dưa nhỏ vừa phải với trọng lượng khoảng 3-4 kg/trái. Song dưa hấu của Việt Nam lại có trọng lượng cao, có trái 10-12 kg, chưa kể giá đắt hơn so với dưa hấu nước họ. Đây chính là một trong những lý do khiến dưa hấu thường bị dồn ứ tại các cửa khẩu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.
- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật để rải vụ.
Do chưa chủ động được về công nghệ, kỹ thuật nên hầu hết việc sản xuất nông nghiệp của nước ta phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, đặc tính mùa vụ của sản phẩm. Vì vậy, trong các vụ thu hoạch, khi được mùa, áp lực tiêu thụ sản phẩm thô diễn ra gay gắt. Từ đó gây mất cân đối cung cầu cục bộ, ngắn hạn làm cho giá cả thường thấp.
Hiện nay, nhiều vùng sản xuất đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật để sản xuất nông sản rải vụ mang lại lợi nhuận ổn định. Điều này được thấy rõ ở những nhà vườn trồng sầu riêng ở xã Tam Bình. Bà con nơi đây đang dần loại bỏ tập quán sản xuất chạy theo giá cả thị trường, đã biết phân bổ thời gian ứng dụng các biện pháp kỹ thuật cho cây ra hoa rải vụ. Vì vậy, các vườn sầu riêng thu hoạch thời gian khác nhau, không thu hoạch tập trung nên giá sầu riêng luôn đứng ở mức cao.
- Cần liên kết sản xuất
Mô hình cánh đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ đang là cách làm mang lại hiệu quả đối với bà con nông dân ở nhiều nơi. Việc liên kết thành các tổ sản xuất, các hợp tác xã (HTX) để sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm đang được người nông dân hưởng ứng tích cực do nông dân không còn nỗi lo bị ép giá.
Ông Võ Văn Chiến, thành viên của HTX Thanh long GlobalGAP Thuận Tiến (xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc), cho biết hơn nửa tháng nay, nhiều hộ trồng thanh long phải đổ bỏ vì không có người mua nhưng hơn 10 tấn thanh long của vườn nhà ông vẫn bán được 22.000 đồng/kg đúng theo cam kết ủy thác xuất khẩu sang thị trường châu Âu từ đầu năm. Từ khi tham gia liên kết sản xuất HTX ngoài được hỗ trợ kỹ thuật, vật tư nông nghiệp thì bà con nông dân chúng tôi còn mừng vì thanh long của mình lúc nào cũng bán được đều đều. Nhiều nhà đã thoát khỏi nợ nần. Có người khá lên và tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều bà con khác.
Ông Chiến chia sẻ thêm, có những đợt sốt giá, thương lái tìm đến tận vườn mua với giá cao hơn nhưng ông không bán. Vì từ khi tham gia HTX lúc được mùa hay trái mùa HTX vẫn thu mua với giá ổn định nên ông sẽ không vì vài đồng chênh lệch của thương lái mà thiếu… chung thủy.
Có thể thấy, nếu nông dân không liên kết với nhau, gắn bó bền bỉ với doanh nghiệp thu nông sản mà nông dân chỉ làm ăn trôi nổi với thương lái thì nông sản của nông dân vẫn mãi bị động trong khâu tiêu thụ và điệp khúc “được mùa rớt giá” cũng không tránh khỏi với người nông dân.
Phân tích của chuyên gia Agritech
(Tham khảo: baochinhphu.vn, vovworld.vn, vtv.vn, vov.vn)
Không có nhận xét nào