Xử lý cho thanh long nghịch vụ
Mùa thanh long tự nhiên là từ tháng 4 tới tháng 9, tuy nhiên, vào mùa nghịch, một số nhà vườn đã dùng kỹ thuật chong đèn tạo quả trái vụ để chủ động thu hoạch, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Thạc sĩ Đỗ Hồng Tuấn, Viện Cây ăn quả miền Nam hướng dẫn một số phương pháp chong đèn cho thanh long vào mùa nghịch đạt được hiệu quả kinh tế cao.
Vào mùa nghịch, một số nhà vườn đã dùng kỹ thuật chong đèn tạo quả trái vụ để chủ động thu hoạch, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh minh họa: internet
Theo Thạc sĩ Đỗ Hồng Tuấn, trước giai đoạn chong đèn từ 1 đến 2 tháng, nhà vườn tập trung việc nuôi cành cho khỏe, giúp cây ra hoa đồng loạt.
Trong giai đoạn này, thanh long cần nhiều lân. Với cây từ 4 đến 5 năm tuổi, sẽ bón từ 0,5 – 1kg lân/trụ. Thời điểm này, bệnh đốm trắng thường xuất hiện trên cây thanh long, do đó, cần lưu ý phòng bệnh.
Thanh long thường ra đọt non nhiều đợt từ tháng 10 đến tháng 12, nhà vườn chỉ nên để ít nhất 1 lần đọt non với tầm từ 15 đến 20 cành vì đây sẽ là những cành cho trái vào năm sau.
Vào thời điểm chong đèn, tùy vùng đất trồng và loại thanh long mà tiến hành chong đèn. Thường vào khoảng tháng 10 âm lịch. Tùy loại, tuổi cây, ánh sáng dùng mà có thời gian chong đèn khác nhau. Nhưng thường thì từ 12 đến 16 đêm.
Thời điểm tiến hành chong đèn từ 18h30 hoặc 19 giờ tối đến 3 hoặc 4 giờ sáng hôm sau. Trong giai đoạn chong đèn, nàh vườn nên loại bỏ đọt non, hạn chế tưới nước. Ngoài ra, cũng quan sát hướng ánh sáng mặt trời vì bông sẽ ra nhiều vào hướng Đông Nam và Tây Nam để đặt vị trí đèn chong cho đúng. Độ tuổi cây càng lớn thì thời gian chong đèn càng lâu hơn.
Sau khi kết thúc giai đoạn chong đèn, nhà vườn cần tưới nước ngay và tưới nhiều nước bằng cách phun qua tán cây, liên tục từ 3 đến 5 ngày. Sau đó cây sẽ bắt đầu nhú nụ, nên quan sát thường xuyên. Trước đó, có thể dùng thuốc phun có chứa lân và kali cao cũng như một số chế phẩm khác để giúp cây tạo mầm ra hoa được tốt.
Theo voh.com.vn
Không có nhận xét nào