Giá trị của vỏ cà phê
Vỏ cà phê nếu đem chế biến phân hữu cơ, bằng cách phối trộn thêm phân gia súc, gia cầm, phân cá, hay phế thải của lò mổ và ủ với nấm Trichoderma thì sẽ được một loại phân hữu cơ có chất lượng vượt trội nhiều loại phân hữu cơ nhập nội đắt tiền...
Theo kết quả phân tích về thành phần dinh dưỡng một số nguyên liệu có thể chế biến thành các loại phân hữu cơ của Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp thì vỏ cà phê khô có chứa các thành phần dinh dưỡng sau: Chất hữu cơ chiếm 42,1%, đạm tổng số có 2,5%, 0,23% P205 và 3,15% K2O; chất trung lượng có 0,35% CaO, 1,49% MgO và 0,67% S…
Vỏ cà phê khô có chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng giúp cải tạo đất
Nếu so sánh với thành phần dinh dưỡng của than bùn khai thác tại Kiên Giang, Cà Mau hay Bà Rịa - Vũng Tàu thì vỏ cà phê chứa hàm lượng các thành phần này cao hơn khá rõ. Bình quân thành phần dinh dưỡng của than bùn ở 4 vùng thì chất đạm (N) chiếm 1,175%, chưa bằng 50% của vỏ cà phê, hay chất đạm trong vỏ cà phê cao hơn gấp 2 lần so với chất đạm có trong than bùn; chất lân (P) cao hơn từ 2 đến 4 lần, còn kali (K20) cao hơn hàng trăm lần.
Các nguyên tố trung lượng cũng cao hơn hàng chục lần so với các loại than bùn ở các địa danh kể trên. Nhưng khi sản xuất phân hữu cơ thì phần lớn các cơ sở đều tìm kiếm vật liệu than bùn mà còn ít chú ý đến loại nguyên liệu từ vỏ cà phê. Có lẽ do nguồn than bùn có trử lượng dồi dào hơnvà có sẵn quanh năm; trong lúc vỏ cà phê phải đợi đến mùa mới có sẵn.
Ở Việt Nam vào những năm được mùa, diện tích cà phê chiếm đến 670.351 ha, những năm giá cà phê thiếu hấp dẫn thì diện tích vẫn còn chiếm đến 655.817 ha. Lấy năng suất bình quân cả nước là 2,7 tấn/ha, thì hàng năm sản lượng cà phê cả nước có đến trên 1,7 triệu tấn. Lấy mức tỷ lệ nhân là 65% thì hàng năm có đến khoảng 620.000 tấn vỏ cà phê có thể sử dụng làm phân bón có chất lượng khá tốt. Số lượng vỏ cà phê này nếu tận dụng triệt để tương đương với 33.000 tấn phân đạm, một khối lượng dinh dưỡng rất đáng kể.
Số lượng vỏ cà phê này nếu đem chế biến phân hữu cơ, bằng cách phối trộn thêm phân gia súc, gia cầm, phân cá, hay phế thải của lò mổ và ủ với nấm Trichoderma thì sẽ được một loại phân hữu cơ có chất lượng vượt trội nhiều loại phân hữu cơ nhập nội đắt tiền mà các doanh nghiệp đang hăm hở tìm kiếm mua về bán lại với giá rất đắt, nhưng do người nông dân ưa chuộng hàng ngoại nên vẫn sẵn sàng mua để sử dụng.
Đã có một thí nghiệm chế biến phân hữu cơ bằng phương pháp thủ công theo công thức trộn 35% phân gà, 35% phân heo với 30% vỏ cà phê phơi khô đã xử lý với vôi, có bổ sung 250ml EM, 0,5kg Trichoderma, 5kg SA và 15kg phân lân cho 1 tấn phân hữu cơ ( 60% độ ẩm).
Sau 3 tháng lấy mẫu phân tích cho thấy loại phân ủ này đạt chất lượng rất tốt, phân có chứa thành phần các chất dinh dưỡng hảo hạng. Ví dụ, thành phần chất hữu cơ 39,1%, axit Humic chiếm 5,48%, đạm tổng số chiếm 1,89%, lân hữu hiệu 2,19%, Kali hữu hiệu 2,53%, CaO tổng số 5,87%, MgO tổng số 1,53%. Trong phân lại chứa tổ hợp các vi sinh có lợi tiếp tục tạo thêm nguồn dinh dưỡng dễ tiêu cung cấp cho cây trong cả vụ nên cây trồng khỏe mạnh, năng suất khá cao. Tác giả (Lâm Văn Hà 2017) chế biến loại phân này đã thực nghiệm bón bổ sung với phân khoáng cho cà phê vối ở Di Linh, Lâm Đồng.
Sau 3 vụ thí nghiệm cho thấy nền có bón bổ sung 10 tấn phân hữu cơ nói trên cùng với nền phân khoáng, so với công thức chỉ bón phân khoáng cho cà phê thì chất lượng của đất được cải thiện rất tốt. Cụ thể số lượng giun đất tăng gấp 2,5 lần so với nền chỉ bón phân khoáng, sinh khối giun tăng gấp 7,56 lần, các vi sinh vật phân giải cellulose cũng tăng 1,7 lần, kết quả mang lại độ xốp cho đất tốt hơn.
Thí nghiệm cũng cho thấy nếu chỉ bón phân khoáng liều càng cao thì sinh khối giun đất càng giảm, mật độ vi sinh có lợi cũng giảm. Từ đấy tác giả kết luận rằng sử dụng 30% vỏ cà phê đã xử lý để chế biến ra loại phân hữu cơ nói tên, rồi dùng 10 tấn phân hữu cơ này phối hợp với 320kg N + 100kg P205 + 350kg K2O/ha bón cho cà phê vối vừa có tác dụng cải tạo đất vừa mang lại năng suất cà phê cao hơn nền chỉ bón phân khoáng là 14,6%. |
MAI VĂN QUYỀN
Theo nongnghiep.vn, 02/11/2018
Không có nhận xét nào