Nuôi cá chình thương phẩm - hướng đi mới mang hiệu quả cao
So với những loại cá thương phẩm khác được nuôi phổ biến thì cá chình thuộc loại quý hiếm nên chưa bao giờ bị mất giá, và giá trị thương phẩm luôn ổn định.
Là loài có sức đề kháng cao, nguy cơ nhiễm bệnh thấp, có thể nuôi ghép với các loài cá khác cùng với giá bán thương phẩm luôn giữ mức cao và ổn định, cá chình thương phẩm đang là hướng đi triển vọng của người nuôi trồng thủy sản ở nước ta hiện nay. Mặc dù vốn đầu tư không nhỏ nhưng trong thực tế nhiều người đã thu lợi nhuận trên 100%, tức một vốn một lời.
Chuyên mục Nghề mới mỗi tuần xin giới thiệu đến bà con “Nghề nuôi cá chình thương phẩm”.
Nghề nuôi cá chình thương phẩm bắt đầu từ khi nào
Với hàm lượng dinh dưỡng cao, cá chình được mệnh danh là “thủy sâm”, sinh sống tự nhiên trong môi trường nước ngọt và mặn. Ở Việt Nam, cá chình tự nhiên tập trung chủ yếu tại các bờ biển từ Bình Định đến Phú Yên. Tuy không mới lạ tại nước ta nhưng để đưa vào môi trường nuôi nhốt là một hành trình dài đầy gian nan và không ít lần thất bại. 27 năm trước, kỹ sư Phan Văn Hùng (hiện là Phó chủ tịch Hội Cá chình Việt Nam) bắt đầu tự tìm hiểu, nghiên cứu về tập tính con cá chình, nuôi thử nghiệm. Nhưng phải mất đến 17 năm sau ông mới ươm giống thành công, sau đó nhân rộng, hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều mô hình nuôi cá chình trên cả nước. Nghề nuôi cá chình thương phầm quy mô lớn mới chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây. Mặt khác, đây là giống thủy sản có giá trị kinh tế rất cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên tại Việt Nam. Chính vì vậy, tiềm năng cũng như thị trường tiêu thụ hiện nay là rất lớn.
Cá chình (Ảnh: internet)
Những nơi nào phù hợp nuôi cá chình?
Cá chình là loại sống ở nước ngọt nhưng sinh sản ở nước mặn (biển sâu) nên loài cá này nuôi được ở tất cả các nơi có nguồn nước ngọt và nước lợ độ mặn dưới 10%. Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, từ Bắc chí Nam đều có thể nuôi được loại cá này. Cụ thể:
- Khu vực Đông Bắc Bộ như Hải Phòng, sông Bạch Đằng, sông Giá, sông Hải Dương, các ao đầm khu vực Sóc Sơn, Ba Vì, lân cận Hà Nội. Khu vực này tuy thời tiết thay đổi nhưng nuôi cá chình nhanh lớn thịt thơm ngon.
- Các dòng sông Miền Trung như: sông Hương, sông cửa động Phong Nha, sông Trà Khúc và tất cả các sông khác thuộc miền Trung.
- Các ao hồ có diện tích lớn như: Bà Nà - Đà Nẵng, đầm Châu Trúc, đầm hồ chứa nước chống lũ và đầm chứa nước phục vụ nông nghiệp …
- Khu vực vùng Tây Nguyên: Buôn Mê Thuộc, Gia Lai, Đắc Nông, vùng ven Lâm Đồng, Kon Tum có rất nhiều ao hồ nuôi được cá chình.
- Vùng Miền Đông, Bà Rịa Vũng Tàu, khu vực ĐBSCL bà con có thể nuôi bè trên các dòng sông, nuôi trong ao hồ ven sông Tiền Giang, sông Hàm Luông, sông Ba Lai, sông Cổ Chiên, sông Hậu… Ngoài ra có thể nuôi lồng trong ao đất, nuôi trong đê bao ngăn mặn và nhiều ao đầm khác. Những nơi này nguồn nước tốt được cung cấp quanh năm, nhiệt độ thích hợp.
- Các vùng có thể nuôi cá chình bằng giếng: vùng ngăn mặn như Tân Thành Cà Mau, Đần Dơi, Trần Văn Thời, Thới Bình, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An.
Một vài lưu ý cho bà con muốn nuôi cá chình:
- Tại khu vực Miền Trung bà con nên nuôi lồng, bè, để tránh bão lũ, dễ quản lý đầu con.
- Tránh vùng làm nông nghiệp sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và các vùng nuôi cá tạp khác sử dụng nhiều hóa chất kháng sinh, hóa chất xử lý môi trường.
- Tránh vùng bão, lụt và không nên nuôi ao đất cát ven biển, vì ao đất cát không giữ được nước (nếu xử lý không được).
- Cần chọn nơi thuận tiện giao thông, an ninh.
- Với môi trường ngoài Bắc, ao nuôi cần nước sâu hơn trong Nam một chút để tạo sự bình ổn cho con cá. Ví dụ, thời tiết 10 độ, nước vẫn là 18-20 độ, lòng đất làm cho tầng nước dưới không bị lạnh.
Kinh nghiệm khi chọn cá giống
- Theo kỹ sư Phan Văn Hùng bà con nên chọn những con cá nhớt nhiều, không bị trầy xước, không bị đốm trắng, da bóng láng là giống tốt; nên mua từ người bán cá giống có ký giấy bảo đảm.
- Khi di chuyển con giống từ địa phương khác, người nuôi nên chú ý đến mùa và khí hậu của địa phương đó.Theo anh Trần Văn Vân, người nuôi cá chình ở Hòa Bình chia sẻ: “khi chúng tôi nhập con giống từ miền Nam về, lúc đó vào mùa đông, do không chú ý đến mùa, thay đổi khí hậu đột ngột, dẫn đến cá chình bị nấm và chết”.
- Để đảm bảo tỷ lệ nuôi thành công cao, các hộ nuôi thường chọn mua giống cá chình cấp 3 (loại 10 con/kg). Đây là cá giống có sức đề kháng tốt, phát triển nhanh, dễ chăm sóc, giảm tỷ lệ hao hụt. Sau hơn 1 tháng, nếu tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, điều kiện vệ sinh môi trường, đàn cá chình đã có trọng lượng trung bình 2 gram/con. Sau 6 tháng nuôi, cá lớn dần phải tách đàn, phân loại để dễ chăm sóc, đảm bảo cho cá phát triển tốt. Loại giống 10 con/kg có thể đạt trọng lượng 1-1,5 kg/con sau 1 năm nuôi thương phẩm.
Điểm gì cần lưu ý trong quá trình nuôi cá chình?
Được biết, cá chình là loài dễ nuôi, ít bệnh hơn các loại cá da trơn khác. Tuy nhiên, cách nuôi theo hộ cá thể khiến cá chậm lớn, tỷ lệ sống thấp. Cá chình đòi hỏi phải được chăm sóc theo một quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, trong đó nguồn nước là yếu tố quyết định.
- Với kiểu nuôi trong kể xi măng: Nguồn nước phải được lọc kỹ các tạp chất, lắng trong trước khi cho cá vào bể nuôi; Bể nuôi phải đảm bảo không được thiếu nước hay thừa nước, oxy trong bể xi măng cũng không được thừa hoặc thiếu. Cứ 3 ngày phải tiến hành thay nước bể một lần để hạn chế tảo sinh sôi nảy nở với mật độ lớn gây thiếu hụt nguồn oxy cho cá.
- Mỗi ngày cho cá ăn vào tầm 7 giờ tối, sau đó phải rửa sạch giá thức ăn để loại bỏ cặn bã, thức ăn dư thừa làm bẩn nước, gây độc tố.
- Để giảm thiểu chi phí cho thức ăn, ông Minh - một trong những người tiên phong nuôi cá chình thương phẩm chia sẻ: “tự tay chế biến thức ăn cho cá là biện pháp tốt nhất”. Hàng ngày, ông mua cá rô phi đem về ướp muối, sau đó cho vào tủ lạnh để với nhiệt độ từ -5 tới 0 độ C. Ông lấy lúa xay thành bột rồi trộn với cá xay nhuyễn làm thức ăn cho cá. Khi được hỏi về cách chế biến thức ăn này, ông Minh cho biết: “Tôi chế biến nguồn thức ăn này là giảm được một nửa chi phí so với thức ăn công nghiệp hiện có. Thức ăn do mình tự sáng chế đã tích hợp sẵn thuốc ngừa bệnh nên cá không mắc các bệnh đường ruột, bệnh gan. Tỷ lệ cá sống đạt cao”.
- Cá chình loại sống khỏe và có thể nuôi ghép với nhiều loại khác cùng trong bè để tăng nguồn lợi nhuận. Ông Phan Văn Tâm, ở xã Phú Hội, huyện An Phú cho biết, ông có 2 bè cá chình nuôi ghép với chạch lấu, cá heo. Những loại cá này có cùng "khẩu vị" nên người nuôi sẽ tiết kiệm được tiền thức ăn khi thả chung cả 3 vào một lồng. Việc thả chung như vậy cũng giúp cá phát triển tốt, ít bệnh. Từ việc nuôi chung 3 loại cá một lồng, mỗi năm, ông thu về trên 600 triệu đồng lợi nhuận.
- Hiện nay có một số nơi nuôi cá chình thương phẩm nhưng các nhà khoa học chưa tìm ra phương pháp nhân giống nên chủ yếu dựa vào nguồn giống tự nhiên. Đây là loài cá thật sự quý hiếm nên cần sự bảo vệ. Các phương pháp săn bắt mang tính hủy diệt sẻ bị phê phán và có khi vi phạm pháp luật. Vì vậy những nơi có loài này sinh sống nên bảo tồn và khai thác thích hợp để đảm bảo tìm năng quý hiếm.
Triển vọng nghề nuôi cá chình hiện nay
Việt Nam là một trong những nước có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá chình. Thực tế đã khẳng định khi hiện nay, nhiều địa phương đã bắt đầu phát triển mạnh nghề này. Theo bài toán kinh tế mà Công ty Vạn Xuân tính được trên cá chình thì sau một năm, tính tất cả chi phí từ giống, thức ăn, điện nước, thuốc men... hết khoảng 220.000 đồng/kg. Với giá bán thương phẩm hiện nay ở mức trung bình khoảng 450.000 đồng/kg, người nuôi sẽ thu lãi gấp đôi. Tuy nhiên thông thường, người nuôi sẽ nuôi thêm 1 năm nữa. Trong năm tiếp theo, mỗi kg cá thương phẩm tiêu tốn thêm 100.000 đồng chi phí để đạt trong lượng 2kg. Lúc này, các hộ nuôi sau khi xuất bán sẽ đạt lợi nhuận gấp 3 lần chi phí.
Hiện nay một số nhà khoa học ở Việt Nam đang nghiên cứu phương pháp nuôi tuần hoàn khép kín, không thay nước. Phương pháp này giúp tăng mật độ nuôi, tiết kiệm nước, giảm thiểu chi phí vệ sinh, rút ngắn thời gian nuôi dưỡng và hơn hết có lợi rất nhiều cho môi trường. Nếu công trình nghiên cứu thành công sẽ tạo được bước đột phá trong ngành công nghiệp nuôi cá chình.
Cá chình đang là loại cá quý hiếm, với những hộ nuôi lâu năm có thể sử dụng nguồn cá của mình để nhân giống, giảm chi phí và có thêm lợi nhuận từ việc bán cá chình giống.
Dù có khí hậu khắc nghiệt với mùa đông dài nhưng các nước nuôi cá chình hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn thành công. Nếu ở Việt Nam tiến hành nuôi cá chình thì có thể giảm 1/3 chi phí do không dùng nhiệt sưởi ấm vào mùa đông. Và như vậy Việt Nam có thể cạnh tranh với nhiều nước trên thế giới. Nếu nuôi thành công, Việt Nam có thể đứng thứ 5 – 6 thế giới về sản lượng.
Mô hình nuôi cá chình bông hiệu quả ở Phú Yên
Vậy còn thị trường đầu ra của cá chình thì sao?
Hiện nay, các nhà hàng nổi tiếng ở Long Xuyên, TP. Cần Thơ và TP.HCM đang săn tìm mua cá chình với số lượng lớn để chế biến thành nhiều món ăn đặc sản. Ngoài ra, cá trên 5 kg được xuất đi châu Âu, dưới 5kg thì xuất sang Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… và tiêu thụ trong nước. Giá bán tùy theo loại cá chình. Ví dụ, Anguilla marmorata giá 330.000-340.000 đồng mỗi kg, còn cá chình bông 440.000 đồng mỗi kg. Cá chình tương đối hiếm nên chưa bao giờ bị mất giá. Cá Anguilla marmorata cho thịt ngon hơn, nhưng thời gian nuôi ngắn ngày hơn, khoảng 4 tháng cho thu hoạch. Còn cá chình bông phải mất hơn một năm mới được đánh bắt. Về khối lượng, cá nuôi 2-3 năm nặng 3-4 kg, có con đạt 5-6 kg.
Ngoài ra, cá chình được xếp vào nhóm thủy sản hoang dã, cá giống chủ yếu bắt ở ngoài tự nhiên về ươm nuôi, chưa có nước nào sản xuất đưa ra thương mại nên giá trị thương phẩm luôn ổn định.
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu đến bà con một số mô hình và đơn vị nuôi cá chình thành công. Bà con có thể liên hệ để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và mua con giống:
- Hợp tác xã nông nghiệp thủy sản Suối Giàu, Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu.
- Trang trại chình Vạn Xuân, Suối Cát, Cam Lâm, Khánh Hòa.
- Mô hình nuôi cá chình trong bể xi măng của ông Đặng Phùng Minh (tổ 6, phường Ngô Mây, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.
- Trung Tâm Thông Tin Ứng Dụng Khoa Học Công Nghệ Cà Mau ĐC: 10 Mậu Thân, 9, Tp. Cà Mau, Cà Mau.
- Mô hình nuôi cá chình trên sông Đà của anh Trần Văn Vân, Công ty cổ phần Quốc tế Minh Phú.
Hoặc liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được hỗ trợ: Tổng đài 1533.
Theo chuyên gia Agritech
Bài viết có sử dụng một số tài liệu từ baogialai, tepbac, vietnammoi, newzing, vnexpress, wordpress, Wikipedia, kênh 3ntv
Không có nhận xét nào